4 thg 7, 2012

Bàn về văn hóa "Cảm ơn" của người Việt

Ngay từ thuở bé thơ, chúng ta đã được dạy rằng khi người khác giúp đỡ mình một điều gì đó cần phải nói lời cảm ơn. Cảm ơn không đơn thuần chỉ là một lời nói mà nó trở thành 1 nét văn hóa - văn hóa cảm ơn. Tuy nhiên trong thời buổi hiện nay, nét văn hóa đấy có quá nhiều điều đáng phải bàn.

Phải chăng chúng ta “quên” cảm ơn?

Lang thang trên mạng Internet tôi tình cờ đọc được một câu chuyện về 1 anh chàng người Đức, đem lòng yêu một cô gái người Việt, rồi 2 người trở thành vợ chồng, với mong muốn đóng góp một điều gì đó cho quê vợ, anh ta đã về Đức quyên góp được một số tiền và đem số tiền đó về xây dựng một bệnh xá cho người dân nghèo nơi quê vợ. Người dân nơi đây ai cũng nhớ anh ta rất quan tâm đến chất lượng công trình, trực tiếp tham gia giám sát, gõ từng viên gạch xem thật hay rởm. Ấy thế mà đến ngày khánh thành, các quan chức địa phương thi nhau cảm ơn Đảng, Nhà nước mà không một lời cảm ơn đối với anh chàng người Đức. Phải chăng chúng ta “quên cảm ơn”. Trong khi đó ở nước ngoài câu cảm ơn luôn thường trực trên môi họ, họ cảm ơn ngay cả khi không cần cảm ơn. Tôi không cho rằng như thế nên hay không nên và cũng không có ý so sánh với nước ngoài, nhưng có lẽ ở một mức độ nào đó chúng ta nên học hỏi họ.

Chúng ta đang cảm ơn không đúng cách?

Cách đây một năm, một vấn đề được cả xã hội quan tâm đó là việc xây dựng tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam. Ai cũng biết đây là một công trình thể hiện sự tri ân đối với các bà mẹ. Nhưng nó có thực sự phù hợp không khi chi hơn 400 tỷ đồng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, còn hàng chục ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó đa phần tuổi đã cao, sức đã yếu, nhiều mẹ cuộc sống còn khó khăn, neo đơn lúc tuổi già. Dùng số tiền đó để chăm sóc các mẹ, để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có lẽ là một cách cảm ơn tốt hơn nhiều.

Cảm ơn đâu cần phải nói thành lời!

Biết ơn người khác, chúng ta cảm ơn họ, nhưng không phải khi nào cũng nhất thiết phải nói thành lời. Đi xe máy quên gạt chân chống, có người thấy và nhắc ta, ta quay lại mỉm cười với họ và gạt chân chống lên, đơn giản thế thôi nhưng đó cũng là một cách cảm ơn.

Cảm ơn vốn là một nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam ta, cho dù là thời nào thì chúng ta cũng nên phát huy nét đẹp đó. Trên đời này có nhiều điều đáng để chúng ta cảm ơn: Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ, ơn dạy dỗ của thầy cô, mồ hôi xương máu của các bậc cha anh đã ngã xuống cho cuộc sống của chúng ta hôm nay, hay đơn giản là cảm ơn cuộc sống đã cho ta những điều thú vị, cảm ơn những hành động nhỏ bé hàng ngày đã mang đến cho ta những niềm vui... Hãy biết cảm ơn, cảm ơn chân thành và cảm ơn đúng cách

Qua đây cũng xin cảm ơn những người đã giúp đỡ Cổ Nguyệt hoàn thành bài viết này. Đây là suy nghĩ cá nhân của tôi, nếu bạn đồng tình hay phản đối thì hãy để lại bình luận bên dưới để chúng ta cùng thảo luận, xây dựng văn hóa cảm ơn của người Việt. 

Cảm ơn tất cả các bạn đã đọc và lắng nghe ý kiến của Cổ Nguyệt!

Bài viết liên quan:

8 nhận xét:

  1. Nhận ơn huệ của người ta xong rồi "quên" cảm ơn luôn, giống như trường hợp ở quê vợ anh chàng ng Đức mà mình đề cập đến trong bài viết

    Trả lờiXóa
  2. Vay la minh cung duoc Co Nguyet cam on ah, hi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn xứng đáng đc cảm ơn chứ, đối với mình cái Blog này cũng như một phần quan trọng trong cuộc sống, thấy càng nhiều người truy cập và bình luận thì mình càng vui, phải cảm ơn chứ, hi

      Xóa
  3. Có một số bạn sau khi yêu cầu làm hình nền chữ lồng mình làm xong rồi cũng không một lời cảm ơn,và có những bạn thì cảm ơn trc khi mình làm chữ lồng cho họ.
    KHông khó khăn gì câu nói cảm ơn, nhưng với nhiều người dường như nó ...quá xa xỉ thì phải

    Trả lờiXóa
  4. kể ra nhiều ng cũng lạ nhỉ, khó gì lời cảm ơn

    Trả lờiXóa
  5. hình như temp này bạn convert của công lý thì phải

    Trả lờiXóa
  6. mình cũng k biết tác giả của nó là ai, nhưng mình xin của một bloger, cũng xin phép chỉnh sủa theo ý mình rồi, hi. Cái gì hay thì chia sẻ nhau dùng thôi ban ah. Cảm ơn qua ng mình xin temmplate coi như cũng gian tiếp cảm ơn tới tác giả. Mà blog của ông Công Lý mà bạn nói là gì bạn có biết k, m qua giao lưu

    Trả lờiXóa